SteelSeries Apex Pro TKL (2023): Vũ khí 'bí mật' của game thủ chuyên nghiệp

SteelSeries Apex Pro TKL mang đến trải nghiệm gõ phím và cả chơi game tốt, khó có thể tìm ra điểm trừ trên thiết bị này.

Trước "cơn bão" bàn phím tuỳ biến (custom) nhỏ gọn tràn ngập thị trường hay ngựa ô Wooting 60HE, SteelSeries cũng mang đến cho game thủ chuyên nghiệp mẫu Apex Pro TKL (2023) chuyên du đấu. Ngoài các cải tiến về thiết kế lẫn công nghệ, hãng gaming gear Đan Mạch đã có những bước đi nhất định nhằm tạo ra sự độc đáo cho sản phẩm.

Thiết kế gọn nhẹ, màn hình phụ nhiều tính năng hay

Về thiết kế, như nhiều mẫu bàn phím chuẩn 80%, Apex Pro TKL (2023) được lược bỏ dải phím số cạnh bên, giúp thu nhỏ kích thước và khối lượng. Điều này giúp người dùng dễ dàng mang theo bên người và vẫn đảm bảo đủ đầy một vài phím chức năng, tránh cảm giác thiếu thốn như các model 60%. Tuy nhiên, hãng lại quá "tiết kiệm" khi không tặng kèm bất cứ túi đựng, keycap phụ nào.

Nhìn tổng thể, SteelSeries Apex Pro TKL (2023) không quá khác biết so với thế hệ tiền nhiệm. Có khác chăng nằm ở phông chữ, màn hình hiển thị bên phải hay sự tinh giản một vài chi tiết ở viền và mặt sau.

Bàn phím sở hữu khung nhựa cứng, phần mặt trên (top-plate) nhôm tạo cảm giác sang trọng, rắn chắc. Ở mặt sau có lỗ để đựng nhíp gỡ keycap. Điều này cũng giúp cho model này giảm kha khá khối lượng (chỉ còn tầm 737g). Khi gõ có một chút rung lắc nhưng không đáng kể.

Đệm tay đi kèm bằng nhựa, có in logo hãng và nam châm cố định vị trí. Sử dụng chất liệu nhựa giúp đệm tay bền hơn nhưng đổi lại sẽ không êm giống loại bọc da nhân tạo.

Một điểm trừ trên model này là top-plate dễ bám vân tay, có khe hở với khung nên tạo cảm giác thiếu chỉn chu. Hơn nữa, bụi, tóc... rất dễ chui vào khe, khó vệ sinh. Mạch trên bàn phím dạng hàn sẵn, không có tính năng thay nóng switch, giảm khả năng tùy biến.

Mặt sau cũng không có đường đi dây như model cũ vì cách bố trí cổng kết nối USB Type-C nằm lệch hẳn sang bên trái. Do đó, phần đáy thiết bị trông hơi đơn điệu. Bên cạnh đó, model này lại có chút "đỏng đảnh" vì không phải sợi dây USB-C nào cũng kết nối được thiết bị và máy tính.

Chiều cao của phím vừa phải, độ nghiêng tối đa 11 độ cho cảm giác sử dụng thoải mái. Game thủ có thể tự điều chỉnh chân (2 nấc) theo thói quen, sở thích. 

Phần keycap được làm bằng nhựa PBT. Chúng cho cảm giác dễ chịu khi chạm và phần hõm giúp tăng thêm độ bám. Font chữ trên SteelSeries Apex Pro TKL (2023) trông thanh mảnh, ký tự rõ ràng, đủ sang trọng để phô diễn vẻ đẹp của LED RGB nằm dưới.

Tuy vậy, những game thủ cá tính sẽ nhận xét hãng đã quá an toàn, chưa tạo ra sự phá cách so với hàng loạt đối thủ.

Phần đáng chú ý nhất chính là khu vực màn hình hiển thị riêng với nút điều khiển và con cuộn, trông không bị "thô" như nhiều loại bàn phím cơ đi trước.

Màn hình OLED hỗ trợ game thủ chỉnh nhanh một số tính năng của bàn phím như cá nhân hóa hình ảnh, multimedia, điểm nhận lực (Actual Point), macro, đèn (Illumination). Tất nhiên, đó chưa phải tất cả điểm "ăn tiền" của mẫu phím này.

Thiết bị còn cho phép game thủ RTS, FPS hay MOBA tăng cường hiệu suất bằng màu, đếm ngược thời gian xảy ra sự kiện... và hiển thị nó trên bàn phím, màn hình. Một số thông tin về nhiệt độ CPU, GPU hay đơn giản đồng bộ nhạc theo phong cách Visualizer... mọi thứ đều được SteelSeries cung cấp sẵn.

Người dùng chỉ cần vào phần mềm SteelSeries GG và bật chúng lên, tinh chỉnh theo sở thích. Không thật sự nhiều thiết bị hiện nay làm được những điều trên vì vốn dĩ phần màn hình chủ yếu dùng để trang trí. Mặt khác, nút nhấn hay con lăn bên cạnh màn OLED này cho cảm giác nhạy, dùng rất "sướng".

Switch OmniPoint 2.0 là điểm nhấn

SteelSeries trang bị cho Apex Pro TKL (2023) switch thiết kế riêng mang tên OmniPoint 2.0. Switch này sử dụng công nghệ nhận lực phím bằng từ tính độc đáo. Tất nhiên, công nghệ này không còn mới, game thủ thường gọi là rapid trigger, với đầu tàu Wooting 60HE.

Tuy vậy, thiết bị nhà SteelSeries mang lại trải nghiệm khác biệt so với phần lớn các bàn phím chơi game trên thị trường. OmniPoint 2.0 sử dụng hệ thống cảm biến nam châm đặt ở dưới đáy switch, điều này cho phép phần mềm có thể xác định được độ dài hành trình bấm của người dùng từ 0,1 - 4mm.

Switch còn hỗ trợ người dùng tùy biến được điểm nhận lực theo ý muốn, cho phép NKRO (bấm nhiều phím liên tiếp) mà không bị hiện tượng ghosting và đặc biệt ở tính năng 1 nút 2 hành động.

Nghĩa là, chỉ cần chạm nhẹ, bàn phím ngay lập tức nhận tín hiệu và truyền đến máy tính. Điều này thật sự hữu ích với các tuyển thủ eSports, chỉ cần chậm vài mili giây cũng có thể thay đổi kết quả cả năm cố gắng.

Game thủ cũng có thể gán hành động chạy và đi bộ trên cùng phím, giảm thiểu số lượng nút/thao tác phải xử lý. Hay chỉ cần cài sẵn điểm nhận lệnh dài trên phím nạp đạn, tránh trường hợp bấm nhầm.

Thật vậy, khi chơi các tựa game FPS như VALORANT hay Counter-Strike 2, Apex Pro TKL (2023) mang đến cảm giác tự tin, trên cơ đối thủ. Xử lý tổ hợp phím trong StarCraft 2 hay xả kỹ năng Liên Minh Huyền Thoại rất đã, hoàn hảo không độ trễ. Đây quả thực là vũ khí sắc bén trong mọi trận chiến tại đấu trường eSports khốc liệt.    

Riêng về cảm giác khi gõ, switch OmniPoint 2.0 khá giống Cherry MX Red (không khấc, không tiếng click) với lực nhấn 40N. Dù vậy, lúc nhấn vẫn có độ ồn nhất định (55,2 dB) và thiếu đi khu vực phím số nên thiết bị không phù hợp lắm trong môi trường văn phòng hay công sở.

Tựu trung, SteelSeries Apex Pro TKL (2023) là mẫu bàn phím phù hợp cho game thủ hay xê dịch, mong muốn gọn nhẹ, cá nhân hóa và hiệu năng cao. Dù vậy, ở tầm giá 6 triệu đồng, model này sẽ gặp phải vài đối thủ "nặng ký" như Wooting 60HE, Razer Huntsman V3 Pro TKL, CORSAIR K70 MAX RGB... về một số mặt như khả năng thay nóng switch hay polling rate.